Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Fado Export tại tòa đàm trực tuyến.
Ông Hùng lý giải, chính hệ thống kho vận kết nối nhịp nhàng đã kết nối toàn bộ hệ sinh thái Amazon, đưa hàng từ các kho của hãng đến thẳng người mua. Trong khi đó, một số nền tảng đối thủ chủ yếu vận hành theo mô hình FBM (người bán tự quản lý kho hàng).
Theo Fado, hình thức này giúp sàn giảm chi phí kho vận trước Covid-19, nhưng đã làm gián đoạn lưu thông hàng hóa khi khiến chuỗi logistics quốc tế buộc ngừng hoạt động giữa đại dịch. "Ai sở hữu kho hàng trong tay thì sẽ bán hàng online thuận lợi hơn trong thời gian tới", đại diện Fado nói.
Ông Đỗ Xuân Thắng, nhà sáng lập kiêm CEO Pushsale.vn đồng tình, dịch bệnh làm thay đổi nhận thức người bán, từ quan điểm tự quản lý kho hàng đã chuyển sang đa kho. Lấy ví dụ, trong giãn cách xã hội, có ít chuyến bay từ Hà Nội vào TP HCM. Một số nhà bán lẻ online đã gửi hàng vào kho của các đơn vị cung cấp. "Họ chia 2-3 kho hàng, giúp vận chuyển hàng nhanh hơn, tiết kiệm chi phí".
Ông Thắng nhận định, cách làm này tạo ra xu hướng fulfillment (dịch vụ hậu cần kho vận). Trong đó, bên cung cấp sẽ thay người bán hàng xử lý đơn hàng, vận chuyển đến tay khách hàng nhanh chóng, cũng như quản lý tồn kho.
Chủ động phương thức vận hành
Bên cạnh các kênh trung gian thương mại, doanh nghiệp cần linh hoạt vận hành chuỗi cung ứng để tiếp cận người mua ở thị trường đích. Vừa qua, một số công ty hoa quả sấy Việt mua gian hàng trên sàn Alibaba. Từ việc nắm bắt quy cách đóng gói, bảo quản, yêu cầu chất lượng của thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp tiếp tục xuất nhiều container mít, xoài qua tuyến đường sắt liên vận sang ga Bằng Tường (Trung Quốc) giữa đại dịch.
Đại diện Pushsale quan tâm đến mảng nhân sự trong chuỗi cung ứng. Vị này dẫn chứng, một đối tác ở Hà Nội vẫn tuyển 200-300 telesales (nhân viên chăm sóc khách hàng) tại Thái Nguyên và kết nối mọi hoạt động bằng công nghệ hiện đại. "Các mắt xích trong chuỗi không nhất thiết phải tập trung cùng địa điểm", đại diện Pushsale nói.
Minh Chi (Nguồn: vnexpress.net)