Đang tải

Đang tải

Hotline Message Zalo
EN

Tin tức sự kiện

Mười sự kiện quốc tế nổi bật 2019

Ngày đăng: 25/12/2019 16:05

1. Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội

Mỹ và Triều Tiên đã chọn Hà Nội làm địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un trong nỗ lực nhằm cụ thể hóa tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sau thượng đỉnh Trump - Kim đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018. Tuy nhiên, sau 2 ngày nhóm họp vào ngày 26 và 27/2, hai nhà lãnh đạo đã không đạt được thỏa thuận cụ thể và kế hoạch ký kết một tuyên bố chung sau hội nghị bị hủy bỏ. Nguyên nhân là do các bất đồng giữa hai bên về việc dỡ bỏ các biện pháp cấm vận của Mỹ để đổi lấy việc tháo dỡ các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.

(Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp thượng đỉnh tại Hà Nội hồi tháng 2). (Ảnh: Reuters)

Dù không đạt được thỏa thuận nhưng mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã giúp mối quan hệ giữa hai nước và tình hình bán đảo Triều Tiên bớt nóng so với tình trạng bên bờ vực chiến tranh một năm trước đó. Họ còn tái ngộ trong một cuộc gặp lịch sử tại làng Bàn Môn Điếm, thuộc khu phi quân sự ở liên giới liên Triều. Ông Trump đã bước chân qua đường biên giới bằng bê tông, sang lãnh thổ Triều Tiên, trở thành vị Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đặt chân lên đất Triều Tiên. Nhưng càng về cuối năm, tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều càng rơi vào bế tắc khi các cuộc gặp giữa quan chức hai bên không đi đến kết quả cụ thể nào. Bình Nhưỡng đã nối lại các vụ thử tên lửa và vũ khí vốn được tạm dừng trước đó và các cuộc khẩu chiến giữa hai nước nóng trở lại. 

Song song với việc đàm phán với Mỹ, Triều Tiên đã tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực. Trong năm 2019, ông Kim Jong-un đã có chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 4 hồi tháng 1, thăm Nga lần đầu tiên hồi tháng 4 và có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin. Giới phân tích cho rằng với vị thế và vai trò lâu nay, Trung Quốc và Nga vẫn luôn có ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao của Triều Tiên và phần nào chi phối quan điểm của Bình Nhưỡng trong cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ

2. Mỹ đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương

Tháng 11/2017, tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, được cho là nhằm củng cố vị thế của Washington tại một khu vực địa chiến lược trọng yếu và ngăn chặn sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Chiến lược của chính quyền Trump được thực hiện rộng khắp trên các “mặt trận”, từ kinh tế, chính trị, đến công nghệ, quốc phòng và an ninh. Một mặt, chiến lược nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực, mặt khác kiềm chế các nước thách thức vị thế của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc. Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương rõ ràng cho thấy Mỹ không thể ngồi yên khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh mềm khắp thế giới thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

(Các tàu sân bay USS John C. Stennis (trái), USS Ronald Reagan và các tàu chiến khác của Mỹ di chuyển trên Biển Đông). (Ảnh: Hải quân Mỹ) 

Đúng 2 năm sau khi khai sinh tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, vào tháng 11/2019, Mỹ đã công bố báo cáo về việc thực hiện chiến lược này: “Chính phủ Mỹ đã tiến hành nhiều bước đi nhằm hiện thực hóa ưu tiên của Tổng thống Trump đối với khu vực. Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, Bộ Ngoại giao và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã cung cấp hơn 4,5 tỷ viện trợ nước ngoài đối với khu vực. Trong 3 năm đầu của chính quyền Trump, Mỹ đã tăng 25% viện trợ cho khu vực so với 3 năm đầu của chính quyền tiền nhiệm, cho thấy sự chuyển dịch đáng kể của các nguồn lực đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đó là chưa kể hàng trăm tỷ USD tài chính phát triển, các khoản đầu tư của các công ty Mỹ và các nguồn khác”.

Việc thúc đẩy một Biển Đông tự do và rộng mở là một trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Trump nhằm chống các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh đối với hầu hết vùng biển chiến lược này. Kể từ năm 2017, hải quân Mỹ đã gia tăng các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, thường xuyên điều tàu áp sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép, gia tăng tập trận với các đồng minh trong khu vực, thúc đẩy hợp tác theo cơ chế “bộ tứ” với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Mỹ cũng gia tăng các chỉ trích công khai các hành động bành trướng của Trung Quốc tại các diễn đàn đa phương như tại Đối thoại Shangri-La, các hội nghị cấp cao khu vực…

3.Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một phần trong “cuộc chiến” trên nhiều mặt trận của Mỹ nhằm đối trọng sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp toàn cầu. Thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã liên tiếp bị đẩy lên các mức căng thẳng mới trong năm 2019 sau khi chính quyền Mỹ kích hoạt “cuộc chiến” vào tháng 3/2018. Cho tới nay, Mỹ áp thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa trị giá 550 tỷ USD của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh trả đũa với việc áp thuế lên 185 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

(Ảnh minh họa về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung). (Ảnh: FT)

Mỹ tuyên bố các biện pháp áp thuế với Trung Quốc nhằm ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng, trộm cắp tài sản trí tuệ, công nghệ và bí mật thương mại. Trên mặt trận công nghệ, hồi tháng 1, Mỹ đã công bố tổng cộng 23 cáo buộc hình sự nhắm vào tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei và giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu, người bị bắt tại Canada hồi tháng 12 năm ngoái theo đề nghị của Mỹ. Washington còn liệt kê một công ty công nghệ khác của Trung Quốc - ZTE - vào danh sách gây nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ, hạn chế các công nước này hợp tác với các hãng công nghệ Trung Quốc. Lo ngại nguy cơ các công nghệ bị đánh cắp và các hành vi gián điệp, Mỹ cũng siết chặt các khoản tài trợ của Trung Quốc đối với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu tại Mỹ.

Chiến tranh thương mại tác động không nhỏ tới nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý II/2019 chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất trong vòng ít nhất 27 năm qua. Một loạt các công ty nước ngoài đã chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc để tránh các tác động mạnh từ cuộc chiến tranh thương mại.

4.Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump

Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump bắt đầu hồi tháng 9 sau khi thông tin về cuộc điện đàm gây tranh cãi giữa ông và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky bị rò rỉ, trong đó ông bị cáo buộc đã gây sức ép với chính phủ Ukraine điều tra cha con ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden để giành lợi thế chính trị trước cuộc bầu cử 2020. Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát ngày 18/12 đã bỏ phiếu thông qua 2 điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump gồm: lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Ông Trump là tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội, sau cố Tổng thống Andrew Johnson và cựu Tổng thống Bill Clinton.

(Ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội.) (Ảnh: Reuters)

Hạ viện dự kiến sẽ trình bản luận tội đối với ông Trump lên Thượng viện để xem xét trước khi phiên xét xử ông diễn ra. Nếu 2/3 trong số 100 thành viên của Thượng viện ủng hộ các điều khoản luận tội, ông Trump sẽ bị phế truất khỏi ghế tổng thống. Tuy nhiên, viễn cảnh này được cho là khó xảy ra do đảng Cộng hòa của ông Trump hiện đang kiểm soát Thượng viện.

5. Bất đồng trong quan hệ Mỹ - NATO

Vào đúng năm NATO kỷ niệm 70 năm thành lập, liên minh quân sự này đối mặt với thời kỳ căng thẳng nhất trong lịch sử khi các rạn nứt và chia rẽ bao trùm nội bộ khối, nổi bật là các bất đồng về chi phí đóng góp và mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước thành viên. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi NATO là “lỗi thời” và tỏ ý hoài nghi về mục đích của khối, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng NATO đang rơi vào tình trạng “chết não” do thiếu hợp tác giữa châu Âu và Mỹ. Mâu thuẫn được thể hiện rõ nhất trong hội nghị thượng đỉnh tại Anh đúng dịp kỷ niệm sinh nhật 70 năm, khi nhà lãnh đạo Mỹ hủy họp báo và về nước sớm sau khi một đoạn video cho thấy các lãnh đạo thế giới cười nhạo ông lan truyền trên mạng.

(Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu tại thượng đỉnh NATO diễn ra Anh đầu tháng 12.) (Ảnh: AFP)

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên khác trong khối NATO cũng là nguyên nhân gây căng thẳng trong khối. Khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” nhằm vào khu vực do người Kurd kiểm soát tại Đông Bắc Syria, một số quốc gia thành viên đã bày tỏ sự phản đối do lo ngại chiến dịch làm gia tăng nguy cơ gây bất ổn khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ cũng mâu thuẫn sâu sắc với Mỹ vì mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, khiến quan hệ giữa hai bên căng thẳng chưa từng có sau nhiều năm.

6. Nga tiếp tục bị cô lập, đẩy mạnh chính sách hướng Đông

Quan hệ giữa Nga và phương Tây cơ bản vẫn chưa được cải thiện trong năm qua, thậm chí còn căng thẳng và phức tạp hơn bao giờ hết. Các hợp tác dân sự và quân sự giữa Nga và NATO vẫn trong tình trạng đóng băng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và ủng hộ phe đòi độc lập ở miền đông Ukraine. Để “đề phòng mối đe dọa từ Nga”, NATO đã tăng cường sự răn đe và thế phòng thủ ở phía đông, với việc triển khai hơn 4.000 quân tại Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic sát biên giới là Estonia, Latvia and Lithuania, song song với việc đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania và Ba Lan. Cũng trong năm 2019, Mỹ và Nga đều đồng loạt rút khỏi hiệp ước Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), khiến thế giới lo ngại về một cuộc đua vũ trang tiềm tàng giữa hai nước. Đến cuối năm, chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kể từ năm 2017 và cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris bàn về tình hình miền đông Ukraine, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Đức và Pháp, đã làm dấy lên hy vọng về viễn cảnh tan băng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây.

(Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới họp thượng đỉnh tại thành phố Vladivostok, Nga ngày 25/4) (Ảnh: Tass)

Trong bối cảnh tiếp tục bị phương Tây cô lập, Nga đã đẩy mạnh chính sách hướng Đông, đặc biệt chú trọng quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN, thông qua các diễn đàn mà Nga đóng vai trò lãnh đạo hoặc chủ chốt như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok, Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tầm với của Nga đã ngày càng được mở rộng với sự gia tăng của các thỏa thuận thương mại, hợp đồng vũ khí và các cuộc diễn tập quân sự. Trong năm 2019, Tổng thống Nga Putin lần đầu chào đón các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Philippines tới thăm. Giới phân tích cho rằng, mặc dù chính sách hướng Đông của Nga không phải mới, nhưng trong bối cảnh quan hệ Nga-phương Tây đóng băng, Moscow chắc chắn sẽ xoay trục về phương Tây ngày càng mạnh mẽ hơn.

7. Thủ lĩnh IS bị tiêu diệt

Trong một bài phát biểu trực tiếp từ Nhà Trắng ngày 27/10, Tổng thống Donald Trump xác nhận thủ lĩnh tổ chức phiến quân IS Abu Bakr al-Baghdadi đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào hang ổ của tên này ở tây bắc Syria. Cái chết của Baghdadi giúp giới chức Mỹ có thể thở phào sau một chiến dịch truy lùng kéo dài nhiều năm với một trong những phần tử khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, kẻ tự xưng là thủ lĩnh nhà nước Hồi giáo IS tại Iraq và Syria từ năm 2014. Đây cũng được coi là một thắng lợi lớn của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố kể từ khi thủ lĩnh mạng lưới al-Qaeda Osama bin Laden bị tiêu diệt vào năm 2011.

(Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao theo dõi cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). (Ảnh: Nhà Trắng)

Cùng với việc Baghdadi bị tiêu diệt, liên minh quân sự quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu cũng đạt được những kết quả đột phá trong việc truy quét các tay súng khỏi các khu vực lãnh thổ rộng lớn tại Syria mà nhóm này từng kiểm soát. Hồi tháng 3, Mỹ thông báo rằng lực lượng dân quân được Mỹ hậu thuẫn đã xóa sổ IS khỏi thành trì cuối cùng ở Syria. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cái chết của thủ lĩnh IS và việc xóa sổ lực lượng này tại Syria, và trước đó là Iraq, không đồng nghĩa với cuộc chiến chống IS đã kết thúc. Tổ chức khủng bố này vẫn là mối đe dọa lớn đối với thế giới và bóng ma của IS vẫn là nỗi ám ảnh tại nhiều quốc gia.

8. Mỹ suýt tấn công Iran

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran năm 2019 đã suýt leo thang thành xung đột quân sự, khi Tổng thống Donald Trump tiết lộ rằng chính ông đã hủy lệnh không kích các mục tiêu tại Iran chỉ 10 phút trước khi khai hỏa, sau khi một máy bay trinh sát không người lái trị giá khoảng 200 triệu USD của Mỹ bị tên lửa phòng không Iran bắn hạ gần eo biển Hormuz.

(Một tàu chở dầu bị tấn công trên vịnh Oman hồi tháng 6.) (Ảnh: ISNA/AP)

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Cộng hòa Hồi giáo, mối quan hệ giữa hai nước không ngừng leo thang căng thẳng. Washington đã cáo buộc Tehran tấn công các tàu chở dầu trên vịnh Oman, tấn công 2 nhà máy lọc dầu tại Ả-rập Xê-út. Đáp trả, Washington đã điều thêm quân và các khí tài như tàu sân bay, máy bay chiến đấu hiện đại F-22 tới khu vực để răn đe Iran, trong khi Tehran đáp trả bằng việc làm giàu uranium trở lại, phát triển các loại vũ khí mới. Giới phân tích cho rằng quan hệ Mỹ - Iran đang ở giai đoạn rất nhạy cảm và chỉ cần một động thái bị cho là khiêu khích ở bất kỳ phía nào thì các căng thẳng có thể bùng phát thành đối đầu quân sự tại một trong những khu vực nóng bỏng nhất thế giới.

9. Mỹ Latinh chìm trong biến động

Khu vực Mỹ Latinh đã chứng kiến nhiều biến động trong năm 2019, từ các cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela, Bolivia, làn sóng biểu tình phản đối chính phủ tại Peru hay thảm họa cháy rừng khủng khiếp tại Brazil.

(Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales nằm ngủ trên sàn đất tại nơi trú ẩn tạm thời trước khi sang Mexico tị nạn.) (Ảnh: Evo Morales/Twitter)

Venezuela đã rơi vào khủng hoảng chính trị, với tình trạng một đất nước hai chính quyền, khi Chủ tịch quốc hội - thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời, bên cạnh đương kim Tổng thống Nicolas Maduro. Ông Guaido được Mỹ và một số quốc gia tại châu Âu và trong khu vực công nhận, trong khi Nga, Trung Quốc chỉ công nhận ông Maduro là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela. Chính quyền Maduro và phe đối lập đã xúc tiến quá trình hòa giải nhưng cho tới nay vẫn chưa thành công.

Tại Bolivia, tình trạng bất ổn tại đã bùng phát kể từ khi Tổng thống Evo Morales đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 hôm 20/10. Trước những cáo buộc rằng có gian lận nghiêm trọng trong bầu cử, làn sóng biểu tình dữ dội đã nổ ra trên khắp Bolivia, khiến Tổng thống Morales phải từ chức sau 14 năm nắm quyền. Chỉ 3 tuần sau khi tái đắc cử, ông Morales đã phải chạy sang Mexico tị nạn chính trị trong bối cảnh tính mạng và sự an toàn của nhà cựu lãnh đạo đang bị đe dọa. Bà Jeanine Anez, Phó chủ tịch Thượng viện Bolivia, đã tuyên bố là Tổng thống lâm thời sau khi ông Morale từ chức.

10. Làn sóng biểu tình tại Hong Kong

Các cuộc biểu tình tại Hong Kong đã nổ ra hồi tháng 6, bắt đầu là nhằm phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi, cho phép Hong Kong dẫn độ nghi phạm tới những nơi chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Những người biểu tình lo ngại rằng dự luật làm suy yếu nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” mà đặc khu hành chính này được hưởng và điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới các quyền lợi của họ. Mặc dù dự luật đã bị hủy bỏ vĩnh viễn, nhưng các cuộc xuống đường vẫn tiếp diễn và mở rộng ra làn sóng biểu tình ủng hộ các quyền tự do và phản đối cảnh sát

(Người Hong Kong tham gia biểu tình.)(Ảnh: SCMP)

Căng thẳng tại Hong Kong chỉ tạm lắng xuống sau cuộc bầu cử hội đồng quận, trong đó phe đối lập giành chiến thắng áp đảo. Kết quả này được xem là một thông điệp rõ ràng của cử tri nhằm gửi tiếng nói tới chính quyền vốn được Bắc Kinh hậu thuẫn, sau các cuộc biểu tình phản đối chính quyền kéo dài suốt 6 tháng qua. Sau cuộc bầu cử, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam cho hay chính quyền của bà tôn trọng kết quả bầu cử và cam kết lắng nghe tiếng nói của người dân.

Tin tức liên quan

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 4

Địa chỉ: 243A Đê La Thành - Phường Láng Thượng - Quận Đống Đa -Thành phố Hà Nội
Fax: 84437668863

Thông báo
Đóng